“SỰ ĐỘT QUỴ COVID”: NHỮNG TÀN PHÁ CỦA VIRUS SARS-COV-2 ĐẨY NGÀNH Y VÀO TÌNH THẾ “TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN”

"Sự đột quỵ Covid": Những tàn phá của virus SARS-CoV-2 đẩy ngành y vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan"

Ngành y đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt có nguy cơ bệnh nhân Corona cho dù mạch máu trương to vẫn có thể bị tắc nghẽn, mặt khác tình trạng xuất huyết cũng đe dọa tới tính mạng không kém.

Virus Corona gây một loạt triệu chứng về thần kinh

Mệt mỏi, đau đầu, đột quỵ: SARS-CoV-2 cũng gây tổn thương nghiêm trọng đối với não. Cho đến nay người ta đã chứng minh virus có thể vượt rào chắn để tấn công vào máu và bộ não, và bằng cách này nó thậm chí còn có thể lây nhiễm cả những bào thai. Vậy làm sao để chặn đứng được tình trạng này?

Thực ra, vào những tháng đầu tiên, người ta cho rằng sự lây nhiễm corona cũng na ná như bị cảm lạnh. Một căn bệnh ở cuống họng, đường hô hấp và phổi; bệnh có lúc nặng, lúc nhẹ. Giờ thì đã rõ: Covid-19 còn là một bệnh thần kinh – nó tấn công và làm tổn thương bộ não.

Hàng trăm nghiên cứu được tiến hành ở khắp nơi trên thế giới đều cho thấy, khoảng một nửa số bệnh nhân Covid-19 bị rối loạn hệ thần kinh trung ương. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố những bằng chứng đầu tiên hôm 10 tháng 4 trên tạp chí chuyên đề Journal of the American Medical Association. Theo đó 36% của 214 người bệnh tại một bệnh viện ở Vũ Hán có biểu hiện thần kinh.

Các triệu chứng này thể hiện qua mất khứu giác và vị giác, đau đầu, rối loạn trí nhớ, mất khả năng tập trung và mệt mỏi cho đến bị viêm màng não và đột quỵ.

Virus thâm nhập cả vào não của thai nhi

Hiện nay người ta cũng có thể chứng minh rằng virus SARS-CoV-2 vượt qua được cái gọi là rào chắn máu não và qua mạch máu thâm nhập trực tiếp vào bộ não.

Điều này có thể chứng minh qua giải phẫu tử thi các bệnh nhân bị chết vì Corona. Trong não của một thai nhi, mà người mẹ bị chết vì Corona cũng phát hiện virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins đã chứng minh qua các thí nghiệm của họ, rằng virus SARS-CoV-2 có thể trụ lại trong não và sinh sôi nảy nở ở đó. “Đây là một thông tin xấu” – Thomas Hartung, người phụ trách các thí nghiệm này đã nói.

Bây giờ thì chúng tôi biết chắc chắn rằng, virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công các tế bào não mà cả các đuôi (Dendriten) của chúng.” Những cái đuôi này chính là sự phân nhánh của tế bào thần kinh. Hartung tóm tắt: “Những nhận thức này cũng trùng hợp với một loạt triệu chứng thần kinh mà người ta quan sát thấy ở bệnh nhân Covid-19”.

Các nhà nghiên cứu của Johns Hopkins đã tạo ra những bộ não cực nhỏ từ tế bào gốc ở người, chúng hình thành từ khoảng 30.000 tế bào thần kinh và có đường kính khoảng một phần ba millimet. Những bộ não li ti này còn có tên là Organoide, chúng tiếp cận với virus Corona trong phòng thí nghiệm có độ an toàn rất cao.

Đây là một công việc hết sức mạo hiểm, C. Korin Bullen, người đảm nhiệm công việc này, phải mặc bộ quần áo bảo hộ toàn thân. Korin Bullen thấy virus bám vào thụ thể -ACE-2 của tế bào thần kinh.

Điều này tựa như cổng vào ở tế bào phổi. Sau 72 tiếng đồng hồ số lượng virus đã tăng hơn một trăm lần. Quả là một quá trình đầy năng động, Hartung khẳng định, và nó không thể tự mình dừng lại được.

Có nghĩa là, người ta phải tính đến khả năng virus SARS-CoV-2 tấn công bộ não, từ đó có thể gây bệnh thần kinh, Hartung nói: Những thí nghiệm của chúng tôi không phải là bằng chứng virus thực sự gây bệnh thần kinh cho bệnh nhân Covid-19 như chúng tôi đã quan sát thấy. Tuy nhiên người ta có thể coi đây là một khả năng và cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

Cơ thể không có cơ hội thoát virus ở đó

Các nhà nghiên cứu của Johns-Hopkins nhấn mạnh, virus ẩn náu trong bộ não, tại đây chúng được bảo vệ trước sự tấn công của hệ miễn dịch. “Cơ thể không có cơ hội để thoát khỏi chúng”, Hartung nói. Ngay cả dùng thuốc để điều trị hầu như cũng không khả thi, vì nhiều hoạt chất không thể khắc phục rào-chắn-máu-não.

Hartung so sánh với virus AIDS. Con virus này cũng có thể làm tổ trong não. Ngày nay nhờ thuốc người ta có thể diệt virus AIDS trong toàn bộ cơ thể, duy trong não thì chịu, nhà nghiên cứu này nói. Và khi người bệnh ngừng dùng thuốc, virus HIV lại chui ra khỏi hang ổ của nó. Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở virus SARS-CoV-2, tuy nhiên cũng phải vài năm nữa người ta mới có thể quan sát thấy hiện tượng này.

Tuy nhiên có một khía cạnh làm người ta có chút hy vọng, điều này có thể về lâu về dài không có, hay hiếm khi xảy ra. Vì chỉ có rất ít tế bào não có thụ thể-ACE-2, virus SARS-CoV-2 nhờ có thụ thể này mới bám vào được tế bào não. Quan sát các thí nghiệm đối với bộ não mini đã bị lây nhiễm Hartung cho rằng, nhiều nhất chỉ khoảng 10% tế bào não thuộc diện này.

Chỉ có rất ít tế bào não có thể tiếp nhận virus SARS-CoV-2, Hartung nói. Nhưng khi một tế bào đã bị lây nhiễm thì nó có thể phát triển kiểu bùng nổ, sinh sôi hàng nghìn virus và những con virus này có thể tìm thấy tế bào não có thụ thể-ACE-2. Sau sáu ngày, người ta vẫn thấy ở thí nghiệm này lượng virus trong não mini vẫn tiếp tục tăng.

Covid-19 cũng có thể gián tiếp gây tổn thương cho hệ thần kinh

Có rất ít trường hợp tế bào não bị virus Corona tấn công. Sự lây nhiễm trực tiếp virus SARS-CoV-2 vào bộ não là vô cùng hãn hữu, cho đến nay mới được chứng minh qua một vài trường hợp, Peter Berlit, Tổng thư ký Hội Thần kinh học của Đức xác nhận.

Phần lớn các triệu chứng thần kinh cũng không nhất thiết buộc virus Corona phải thâm nhập vào bộ não. Nó có thể gây tổn hại gián tiếp hệ thần kinh trung ương hay ngoại vi. Có nhiều cơ chế cho điều này.

Một mặt có thể do thiếu oxy cấp tính khi bị viêm phổi nặng nên tế bào thần kinh bị tổn thương và từ đó dẫn đến những vấn đề khác nhau về nhận thức. Tuy nhiên cũng có thể do SARS-CoV-2 dẫn đến phản ứng miễn dịch quá mạnh gây viêm nhiễm trong não và ở dây thần kinh ngoại vi, Berlit giải thích.

Berlit tin chắc rằng, viêm nhiễm do tự miễn gây ra có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất đối với các triệu chứng thần kinh liên quan đến Covid-19. Điều vui mừng ở đây là, bệnh do phản ứng miễn dịch thái quá gây ra dần dần biến mất và cho đến nay hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy hệ miễn dịch bị tổn thương lâu dài.

Các chuyên gia đã nói về “sự đột quỵ Covid”

Bệnh nhân Corona thường hay bị đột quỵ, điều này có thể là hậu quả của sự lây nhiễm virus dẫn đến sự bột phát của huyết khối. Thực tế đã có những trường hợp lúc đầu chẩn đoán là đột quỵ do có những biểu hiện đầu tiên cho thấy điều đó, mãi sau mới chứng minh bệnh nhân bị nhiễm trùng corona, Điều gây ngạc nhiên là, kể cả giới trẻ và những người không có yếu tố rủi ro cũng có thể bị đột quỵ do corona .

Thông qua đo cái gọi là D-Dimer các bác sỹ có thể xác định được xu hướng đông máu. Ở các bệnh nhân Corona bị đột quỵ nồng độ D-Dimer cao hơn rõ rệt so với chỉ số ở các bệnh nhân bị đột quỵ “thông thường”.

Nguyên nhân của vấn đề này hiện khoa học chưa giải thích được. Xu hướng tăng đông máu và huyết khối có khả năng không phải là hậu quả dán tiếp của phản ứng miễn dịch bị nhiễu loạn trong cơ thể.

Khi một bệnh nhân Covid-19 có giá trị D-Dimer rất cao, dễ có nguy cơ làm đông máu, bác sỹ sẽ nghĩ ngay đến việc cho bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu, thí dụ thuốc Marcumar. Tiếc rằng các nghiên cứu cho thấy, trong những trường hợp như thế, nếu điều trị bằng thuốc làm loãng máu thì có nguy cơ cao dẫn đến xuất huyết trong cơ thể. Do đó ngành y đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt có nguy cơ bệnh nhân Corona cho dù mạch máu trương to vẫn có thể bị tắc nghẽn, mặt khác tình trạng xuất huyết cũng đe dọa tới tính mạng không kém.

Khi bị đột quỵ cấp tính ta có thể làm tan cục máu đông gây bệnh và dùng ống thông để loại bỏ nó. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa rõ dùng hình thức gì cho thích hợp để làm loãng máu đối với bệnh nhân Covid-19, Berlit nói. Nguy cơ bị tăng huyết khối và đột quỵ sẽ mất đi sau khi khắc phục được bệnh Covid-19. Tuy nhiên đột quỵ có thể gây nên những tổn thương lâu dài không thể khắc phục được.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 dường như không chỉ phụ thuộc vào sự suy giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể và xu hướng tăng khối huyết. Berlit phỏng đoán yếu tố di truyền cũng có vai trò nào đó, như chúng ta đã thấy có những chỉ dấu về điều này, như người có nhóm máu 0 rõ ràng ít khi bị bệnh Covid-19 nghiêm trọng như những người thuộc nhóm máu A.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 phàn nàn về tình trạng mệt mỏi kéo dài – ngay cả sau khi đã khỏi bệnh. Berlit cho rằng tình trạng này có thể lý giải có một số nguyên nhân. Thứ nhất sự mệt mỏi này có thể là hậu quả của tình trạng lan tỏa tổn thương ở não gây nên khi bệnh ở thời kỳ cấp tính.

Cũng có thể đây là hậu quả của viêm cơ tim do corona gây ra. Những vết sẹo ở tim làm giảm sức chịu đựng. Điều này làm người ta sớm bị mệt mỏi. Cũng có thể sự mệt mỏi này là do tác động tâm lý thí dụ thời gian nằm viện điều trị chăm sóc đặc biệt kéo dài.

Carmen Scheibenbogen thuộc Viện Miễn dịch Y học bệnh viện Charité ở Berlin cho rằng có thể hệ miễn dịch bị quá tải sau một thời kỳ điều trị bệnh Corona, cho dù lúc này virus không còn tồn tại trong cơ thể.

Đặc biệt những người có thai không nên xem thường mối hiểm nguy

Cho dù cho tới nay chưa chứng minh virus SARS-CoV-2 thâm nhập vào não và có thể gây bệnh thần kinh nghiêm trọng hoặc có thể gây hậu họa, Hartung vẫn cảnh báo cần hết sức thận trọng đặc biệt với người mang thai. Một mặt trong phôi thai chưa thiết lập hàng rào-máu-não, mặt khác trong ba bốn tháng đầu tiên của thai kỳ diễn ra quá trình hình thành não bộ vô cùng nhạy cảm và phức tạp – nhà nghiên cứu giải thích.

Các phôi, hình thành vào tháng ba năm nay, hiện đang ở trong thời kỳ này, tức đứa trẻ chưa ra đời. Các tháng 9 và 10 là thời kỳ rất hồi hộp, Hartung nói, sớm nhất thì có thể phát hiện các rối loạn não ở trẻ sơ sinh. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ tình hình này.

Ngay cả khi không quan sát thấy có điều bất thường, không có nghĩa đã có thể báo an. Virus trong não có thể là nguyên nhân tiềm tàng gây bệnh tự kỷ. Theo Hartung bệnh này chỉ có thể chẩn đoán chắc chắn khi đứa trẻ đã lên ba. Hiện tại không thể loại trừ hậu quả lâu dài, cho dù điều đó chỉ là sự giảm nhẹ chỉ số IQ. Do đó phụ nữ khi mang thai cần đặc biệt chú ý đề phòng lây nhiễm virus corona .

Cho đến nay hoàn toàn không có bằng chứng nào về hệ quả của bệnh”, Berlit khẳng định. Đây hoàn toàn chỉ là phỏng đoán. Nguy cơ tăng huyết khối và đột quỵ cũng không còn khi Covid-19 biến mất. Số liệu từ các phòng khám phục hồi chức năng phản ánh điều đó. Riêng đột quỵ gây tổn thương lâu dài và không thể khắc phục được.

Có nhiều khả năng hooc môn estrogen chống virus

Berlit có tin tốt lành dành cho chị em. Thứ nhất bệnh Covid-19 xuất hiện ở phụ nữ ít hơn hẳn so với nam giới và nếu bị bệnh diễn biến cũng nhẹ nhàng hơn. Dường như hormone estrogen có khả năng bảo vệ chống lây nhiễm. Các chuyên gia y tế quan sát thấy phụ nữ ở tuổi mang thai được bảo vệ đặc biệt trước Covid-19.

Phụ nữ khi bị lây nhiễm SARS-CoV-2 thì hay có tổn thương đối với khứu giác và vị giác. Một nghiên cứu gần đây chỉ rõ, khi khứu giác bị tổn thương, đó là triệu chứng bệnh sẽ có diễn biến thuận lợi. Tại sao lại như vậy, điều này các nhà khoa học chưa tìm được lời giải và đây là một đề tài cần nghiên cứu.

Cho đến nay đã biết virus SARS-CoV-2 thâm nhập qua biểu mô từ mũi lên não. Chụp ảnh cộng hưởng từ có thể thấy viêm ở vùng gần các thùy ở trán. Hiện còn chưa rõ, liệu virus SARS-CoV-2 có thể di chuyển qua đường tiêu hóa và dây thần kinh phế vị vào thân não và từ đó có thể di chuyển đến trung tâm hô hấp hay không.

Một dấu hiệu cho vấn đề này là một số bệnh nhân Covid-19 phản ánh họ có khó khăn khi thở tự động. Ở SARS và MERS có thể chứng minh được đường lây nhiễm của virus, Berit giải thích, như vậy có thể có một xác suất nhất định, điều này cũng có thể diễn ra ở SARS-CoV-2.Vấn đề này cũng cần được các nhà nghiên cứu làm rõ trong tương lai gần.

Hartung đang đợi đợt giao virus SARS-CoV-2 tiếp theo. Khi nhận được mẫu ông sẽ xác định nồng độ thụ thể-ACE-2 trong não, tùy thuộc loại mô. Hy vọng từ đó ông sẽ biết rõ liệu có vị trí nhất định nào trong não dễ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 so với các vị trí khác hay không.

19006648
0909344011