MẤT TRÍ NHỚ SAU KHI KHỎI COVID-19

 

Sau khi nhiễm nCoV vào tháng 3, Michael Reagan đã mất hoàn toàn ký ức về kỳ nghỉ 12 ngày ở Paris, mặc dù chuyến đi chỉ diễn ra trước đó vài tuần.

“Tôi xem tất cả những bức ảnh của mình hồi ở Paris, cố gắng nhớ lại. Chúng tôi đã đi đến một buổi diễn của Madonna, tới Tháp Eiffel và cả Hầm mộ. Và tôi không nhớ gì cả, chẳng còn chút ký ức nào hết”, vị bác sĩ chuyên khoa mạch máu 50 tuổi kể lại.

Trong những tháng hè, đã có lúc ông Reagan bật bếp làm món trứng rồi lơ đễnh bỏ ngang, dắt chú chó cưng của mình đi dạo quanh phố. Quay trở lại nhà, phát hiện chiếc chảo đã nóng để không trên bếp, ông hoảng sợ và không nấu ăn kể từ đó.

Trường hợp tương tự xảy ra với Lisa Mizelle, một y tá kỳ cựu tại phòng khám chăm sóc khẩn cấp. Bà nhiễm nCoV vào tháng 7. Sau khi khỏi bệnh, bà nhận ra mình đã quên quy trình xét nghiệm và các phương pháp điều trị thông thường, phải hỏi đồng nghiệp về những thuật ngữ mà trước đây bà nắm rất rõ.

“Tôi rời phòng và không nhớ bệnh nhân vừa nói gì. Tôi sợ hãi khi nghĩ rằng mình đang làm việc, cảm thấy như bị mất trí nhớ”, bà kể lại.

Reagan và Mizelle chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân mắc “hội chứng sương mù não hậu Covid-19” (Covid Brain Fog). Các biểu hiện bao gồm mất trí nhớ, lú lẫn, khó tập trung, chóng mặt và chậm nắm bắt từ ngữ. Tình trạng này làm cản trở công việc và các hoạt động thường ngày của những người từng nhiễm nCoV.

Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân của sương mù não hậu Covid-19. Hội chứng ảnh hưởng đến cả người nhiễm nCoV nhẹ, không có bệnh nền, với biểu hiện rất khác nhau. Giả thuyết tin cậy nhất là nó phát sinh khi phản ứng miễn dịch của cơ thể với virus không ngừng hoạt động ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi hoặc do tình trạng viêm trong mạch máu ảnh hưởng đến não.

Y tá Lisa Mizelle thường xuyên quên quy trình khám bệnh, xét nghiệm sau khi nhiễm nCoV hồi tháng 7. Ảnh: NY Times

Y tá Lisa Mizelle thường xuyên quên quy trình khám bệnh, xét nghiệm sau khi nhiễm nCoV hồi tháng 7. Ảnh: NY Times

Nhiều người mắc Covid-19 nhập viện do các vấn đề hô hấp cũng có biểu hiện lú lẫn, mê sảng, suy giảm chức năng tâm thần ngay khi đang điều trị. Nghiên cứu công bố ngày 5/10 chỉ ra rằng những người này có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Song hiểu biết của giới khoa học về sương mù não kéo dài hậu Covid-19 còn khá hạn chế. Báo cáo của Pháp vào tháng 8 trên 120 bệnh nhân nhập viện cho thấy 34% bị mất trí nhớ, 27% khó tập trung nhiều tháng sau đó.

Trong cuộc khảo sát của Survivor Corps – nhóm kết nối 3.930 người từng mắc Covid-19, hơn một nửa cho biết họ gặp khó khăn khi tập trung. Đây là triệu chứng phổ biến thứ 4 trong số 101 tình trạng thể chất, tinh thần, tâm lý dài hạn và ngắn hạn được báo cáo.

Tiến sĩ Igor Koralnik, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm thần kinh, Bệnh viện Northwestern Medicine, cho biết: “Có hàng nghìn người mắc chứng này. Tác động của nó lên lực lượng lao động sẽ rất đáng kể”.

Ông Reagan điều trị 5 ngày trong và ngoài bệnh viện. Những ngày đầu khi mới hồi phục, ông tiếp tục làm cố vấn cho công ty sản xuất stent và ống thông tim. Nhưng các triệu chứng như run ngón tay, co giật và đãng trí sớm xuất hiện. Điều này có nghĩa “không đời nào tôi đi phẫu thuật hay dạy bác sĩ cách khâu động mạch trong tình trạng đó”, ông nói.

Đôi khi, trong các cuộc họp. bác sĩ Reagan quên mất từ ngữ. Ông đã phải xin nghỉ phép một thời gian. “Tôi cảm thấy như một tên ngốc”, ông kể lại.

Y tá Lisa Mizelle nhiễm nCoV hồi tháng 7. Sau khi xuất viện, bà vẫn tự mình chăm sóc cho 6 bệnh nhân tại phòng khám Huntsville. Song gần đây, bà không thể làm việc một mình bởi suy nghĩ chậm chạp, hay chóng mặt và luôn cần đồng nghiệp ở bên hỗ trợ.

“Đôi khi, tôi cố tỏ ra khéo léo để bệnh nhân không nhận ra. Chẳng ai muốn thấy bác sĩ của mình bị sương mù não cả. Điều này rất đáng sợ”, bà nói.

Bác sĩ Michael Reagan xem những hình ảnh đã chụp tại Paris để tìm lại ký ức. Ảnh: NY Times

Bác sĩ Michael Reagan xem những hình ảnh đã chụp tại Paris để tìm lại ký ức. Ảnh: NY Times

“Sương mù não” nói chung vẫn là một bí ẩn đối với giới y khoa vì các triệu chứng rất đa dạng. Tiến sĩ Avindra Nath, trưởng bộ phận nhiễm trùng hệ thần kinh tại Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ, cho biết: “Câu trả lời đơn giản nhất là các phản ứng miễn dịch của mọi người vẫn đang được kích hoạt dai dẳng sau khi đợt nhiễm trùng đầu tiên thuyên giảm”. Phản ứng này có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào. Các phân tử viêm được giải phóng trở thành chất độc, đặc biệt đối với não.

Theo tiến sĩ Dona Kim Murphey, người từng trải qua di chứng của Covid-19, những cơn đột quỵ nhỏ có thể gây ra một số hiện tượng, bao gồm “hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh” (Alien Hand Syndrome – AHS). Người bệnh không thể kiểm soát các cử động của bàn tay mình. Đây có thể là vấn đề bác sĩ Reagan gặp phải, khiến ông không thể tiếp tục phẫu thuật nữa.

Giả thuyết khác được đưa ra là tình trạng tự miễn, “khi các kháng thể tấn công nhầm vào tế bào thần kinh”, theo tiến sĩ Serena Spudich, trưởng khoa nhiễm trùng thần kinh, Trường Y Đại học Yale. Các triệu chứng như tê buồn, ngứa ran chân tay có thể xảy ra khi dây thần kinh bị tổn thương, gửi tín hiệu sai đến não bộ. Một số người bị sương mù não vẫn gặp các vấn đề về tim phổi. Điều này cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng thần kinh.

Các chuyên gia khuyến nghị người gặp tình trạng này đến khám bác sĩ để loại trừ các bệnh lý khác và điều trị thần kinh. Họ không rõ liệu các triệu chứng có biến mất theo thời gian hay không. Một số bệnh nhân nghĩ tới giải pháp thay thế hoặc bài tập hồi phục tạm thời. Ông Reagan bắt đầu đi bộ đến những địa điểm ngẫu nhiên gần nhà ở Lower Manhattan theo lời khuyên của bác sĩ. Ông viết ra các chỉ dẫn và đọc chúng nhiều lần trước khi lên đường cùng chú chó cưng.

Thục Linh (Theo NY Times)

19006648
0909344011