Judy Londa, 55 tuổi, ở Brooklyn, Mỹ, miêu tả sức khỏe của mình như chiếc tàu lượn, vọt lên chao xuống bất thường sau khi khỏi Covid-19.
Londa cảm thấy khỏe hơn và có thể đi bộ, tập yoga trong khoảng 5 hôm, rồi lại uể oải 5 ngày sau. Bà cảm giác như có khối xi măng đè lên ngực, cơ thể ớn lạnh, ho, đau họng, khô miệng, đau và tê cánh tay, nhịp tim không đều.
“Khi sắp rơi vào giấc ngủ, tôi đột nhiên bắt đầu thở hổn hển như sắp chết đuối, phải đứng dậy đi lại. Nó thực sự, thực sự rất chán”, Londa chia sẻ.
Londa dạy nghệ thuật tại trường công lập ở Manhattan từ đầu năm, khởi phát triệu chứng Covid-19 vào giữa tháng 3. Bà ốm nặng trong hai tuần, tức ngực dữ dội. Bà điều trị tại nhà, gọi video thường xuyên cho chuyên gia bệnh nhiễm truyền nhiễm.
Đến tháng 5, bắt đầu cảm thấy khá hơn và có thể để đi dạo quanh khu phố, tăng dần quãng đường. Bà mong chờ sự hồi phục hoàn toàn. Nhưng đã hơn 6 tháng mắc bệnh, việc đi bộ lên ngọn đồi ngắn cũng làm bà kiệt sức. Bà tự hỏi liệu có thể quay lại khỏe mạnh, năng động như trước kia. nCoV đã biến cuộc đời bà giống như tàu lượn lên xuống bởi triệu chứng vẫn còn, mặc dù không có bằng chứng nCoV hoạt động.
Covid-19 cũng để lại những ảnh hưởng mà bà chưa từng mắc như tiền tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao và các cơn co thắt tâm thất sớm, nhịp tim đập bất thường. Tìm hiểu những người sống sót sau Covid-19, bà thấy những người chia sẻ các triệu chứng vẫn còn và tái phát.
Khi dịch mới bùng phát, các bác sĩ tập trung vào các triệu chứng cấp tính và cứu mạng sống. Hiện khoa học hướng đến đánh giá ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 và tìm cách ngăn ngừa, điều trị những triệu chứng này. Mối lo ngại đang dấy lên rằng đại dịch sẽ dẫn đến “một lượng lớn người bệnh đối phó với đau ốm và tàn tật kéo dài”, theo tạp chí Nature ghi nhận.
Trong một bài bình luận trên tờ The Lancet hồi tháng 9, một nhóm chuyên gia bệnh truyền nhiễm quốc tế thừa nhận rằng “chúng tôi không biết phải nói gì với bệnh nhân khi họ hỏi về diễn biến và tiên lượng về triệu chứng tiếp diễn”. Một số câu hỏi được đưa ra như Covid-19 cấp tính có gây ra bệnh tiểu đường? Có các bệnh rối loạn chuyển hóa khác không? Liệu rằng có khiến bệnh viêm phổi kẽ phát triển?.
Họ tự hỏi “những triệu chứng nào do lo lắng bởi một bệnh mới và bởi sự cô lập, những triệu chứng nào do Covid-19 gây ra?”. Hiện tại, những điều chưa biết về hậu quả lâu dài từ Covid-19 còn nhiều hơn những điều đã khám phá.
Rất nhiều các triệu chứng được báo cáo, gồm có mệt mỏi thất thường bởi hoạt động thể chất hoặc tinh thần, mất tập trung, nhiệt độ thất thường, phát ban, các vấn đề về trí nhớ và mất ngủ. Theo Tiến sĩ Dayna McCarthy, chuyên gia phục hồi chức năng tại Trung tâm Mount Sinai chăm sóc sau mắc Covid-19, có thể hệ thần kinh bị ảnh hưởng bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nCoV.
Tương tự với SARS, hội chứng hô hấp cấp tính nặng do virus gây ra, đại dịch cũng để lại những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài cho những người sống sót. Mayo Clinic báo cáo, nhiều người sau khỏi bệnh SARS tiếp tục phát triển hội chứng mệt mỏi mạn tính, tình trạng mệt mỏi cực độ và nặng hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần, không cải thiện mặc dù nghỉ ngơi. Điều này cũng có thể xảy ra với những người mắc Covid-19.
Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến phổi, tim và não, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe dai dẳng. Các chuyên gia từ Mayo Clinic cho biết, nhiều tháng sau hồi phục Covid-19, ngay cả người nhiễm nhẹ cũng có tổn thương cơ tim kéo dài. Bệnh có thể gây tắc nghẽn mao mạch tim bởi những cục máu đông rất nhỏ và tổn thương cơ tim vĩnh viễn. Thậm chí, bệnh cũng tác động các mạch máu và tổn thương thận và gan.
Marilee Shapiro Asher, 107 tuổi, một nghệ sĩ nổi tiếng ở Washington, DC, người vẫn hoạt động chuyên nghiệp cho đến khi mắc Covid-19 vào mùa xuân. Bệnh tác động đến phổi, cướp đi sinh mạng của bà. Trong 5 ngày ở viện, bà đã hồi phục sau nhiễm trùng cấp. Vài tháng sau, bà ra đi bởi nCoV phá hủy chức năng phổi, các túi phổi chứa đầy dịch. Covid-19 làm sẹo các túi phổi nhỏ, gây khó thở lâu dài, ngay cả khi vết sẹo lành một phần.
Các nhà nghiên cứu từng theo dõi những bệnh nhân SARS trong 15 năm, cho thấy hầu hết phổi được phục hồi trong hai năm, một số tác dụng nhẹ vẫn diễn ra ở hơn 1/3 người đã hồi phục.
Trong khi đó, các tác động đến não bởi Covid-19 đã được ghi nhận bao gồm đột quỵ, co giật và liệt tạm thời, còn gọi là hội chứng Guillain-Barré. Nhiều bệnh nhân mất khứu giác và vị giác trong giai đoạn bệnh diễn ra cấp tính, nhưng ảnh hưởng này vẫn còn trong nhiều tháng ở người đã khỏi bệnh. Liệu rằng có nguy cơ phát triển các bệnh thần kinh sau này như Parkinson hay Alzheimer không? Câu hỏi này chưa được giới khoa học giải đáp.
Những người bị bệnh nặng với Covid-19, đặc biệt là những người đã được chăm sóc đặc biệt trong nhiều tuần, dù có hoặc không hỗ trợ từ máy thở, có thể dẫn đến hội chứng căng thẳng sau chấn thương, lo âu, trầm cảm dai dẳng. Chấn thương có thể gây ra những cơn ác mộng tái diễn, sợ ở một mình và thậm chí sợ đi ngủ.
Londa cũng không biết những triệu chứng hiện tại do Covid-19 cấp tính hay do lo âu rằng mình không thể khỏe mạnh như trước kia.
Một nghiên cứu trên 179 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục ở Italy cho thấy khoảng 44% người chất lượng cuộc sống xấu đi vài tháng sau đó, với tình trạng mệt mỏi liên tục, khó thở, đau khớp và đau ngực.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tiến sĩ McCarthy, những bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 trở nên tốt hơn, mặc dù các triệu chứng có xu hướng tăng rồi lại giảm, sự cải thiện rất chậm. Bà khuyên bệnh nhân nên làm những việc nhỏ, và không cố gắng hoạt động giống như trước khi mắc Covid-19 có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Nguyễn Ngọc (Theo NY Times)