TRUYỀN DỊCH DỪA

CỨU HÀNG NGÀN THƯƠNG BỆNH BINH

TRONG CHIẾN TRANH TẠI VIỆT NAM

Năm 1964, Bác sỹ Võ Tá Thông được phân công làm Viện phó Khối ngoại chấn thương đóng quân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Đại tá, bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Võ Tá Thông được gọi thân mật là “tiến sĩ nước dừa”

Ông kể rằng:

“Thương binh về quá nhiều trong điều kiện thiếu thốn thuốc men và trang bị kỹ thuật. Bệnh viện triển khai trong rừng tràm Cà Mau. Nhà ở, phòng điều trị, lán trại thương binh dưới dạng nhà sàn làm trên mặt nước, di chuyển đi lại bằng xuồng. Tuy vậy, bệnh viện đã khắc phục mọi khó khăn, chỉ trong hai năm (1965 và 1966), đã cứu chữa cho 4.990 thương bệnh binh và người dân. Đặc biệt, bệnh viện đã có sáng kiến sử dụng nước dừa 6 tháng tuổi thay thế dịch truyền là thứ vô cùng khan hiếm vào lúc này.

Thực ra, quân y Nhật Bản trong Đại chiến thế giới lần thứ ll là những người đầu tiên thực hiện kỹ thuật này, nhưng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Còn chúng ta là nước đầu tiên và có lẽ là duy nhất trên thế giới lấy nước dừa thay thế dịch truyền sử dụng cho nhiều thương binh và có hiệu quả tốt trên lâm sàng như vậy. Chưa thống kê hết được, nhưng chỉ riêng Bệnh viện 121 trong kháng chiến chống Mỹ đã có hàng ngàn thương bệnh binh được cứu chữa nhờ thứ dịch truyền độc đáo này.

 Dịch truyền từ nước Dừa là “thần dược” vô cùng quan trọng đối với ngoại khoa, đặc biệt có tác dụng nâng và duy trì mạch, huyết áp. Nếu không có nó, nhiều trường hợp chắc chắn sẽ tử vong. Nói đến việc sử dụng nước dừa để thay dịch truyền, người ta sợ mất an toàn, dễ gây tai biến, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thực ra không phải vậy. Bằng chứng là, tất cả những thương binh được tôi sử dụng nước dừa, không có trường hợp nào bị shock dịch truyền dẫn đến tử vong

Nước dừa 6 tháng tuổi có thể thay thế dịch truyền

Ở Việt Nam, hai bác sỹ người Pháp: Calung Bonnaire (1929) và Marque (1932-1933) đã tiêm nước dừa vào dưới da cho các bệnh nhân bị suy dinh dưỡng tại một vài bệnh viện ở Sài Gòn thấy có hiệu quả. Còn các trường hợp sử dụng nước dừa để cấp cứu, điều trị thương binh của các bác sỹ: Lê Trung, Trương Công Trung, Đặng Hiếu Trưng, Huỳnh Thúc Tùng, Nguyễn Dung Thận trong kháng chiến chống Pháp cũng chủ yếu là tiêm truyền dưới da. Nước dừa đã được sử dụng rất nhiều để thay thế dịch truyền tại Bệnh viện 121 Quân khu 9 trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại chưa được nghiên cứu, đánh giá và tiến hành các thực nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng một cách khoa học để khẳng định những ưu khuyết điểm của nó.

Sau này, khi đất nước giải phóng, ông cùng các cộng sự phải nghiên cứu và tiến hành nhiều thực nghiệm trên động vật rồi sau đó là trên người ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 103 về luận án “Nghiên cứu sử dụng nước quả dừa 6 tháng tuổi làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch trong cấp cứu, điều trị ngoại khoa”. Các số liệu thu được đã chứng minh rằng: Nước dừa 6 tháng tuổi là dung dịch vô trùng, không có chí nhiệt tố, gần như đẳng trương với máu. Thành phần trong đó gồm: fructoza, glucoza, protit, lipit, điện giải… có tác dụng nâng và duy trì mạch, huyết áp; đồng thời để nuôi dưỡng.

 

HÀNH TRÌNH BÁC SỸ THÔNG TRỞ THÀNH “TIẾN SĨ NƯỚC DỪA”

“Tiến sĩ nước dừa” – đó là tên gọi vừa thân mật, vừa tự hào của những người lính quân y Quân khu 9 đối với Đại tá, bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Võ Tá Thông, bởi ông là vị Tiến sỹ y khoa đầu tiên của Quân khu này.

Hiện nay, dù đã bước qua tuổi 90, trí nhớ của ông vẫn còn rất tốt. Ông kể, thời điểm ông đến với nghề y là do chiến tranh. Năm 1946, sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông tạm biệt quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ và được cử đi học lớp y tá tại Huế. Tốt nghiệp, ông trở về mặt trận Quảng Ngãi phục vụ chiến đấu cho đến năm 1952 thì được cử ra chiến khu Việt Bắc học lớp quân y sỹ. Ra trường, ông vinh dự được theo Đội phẫu thuật số 1 do Giáo sư Tôn Thất Tùng làm đội trưởng lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, nhờ vốn tiếng Pháp thông thạo, ông được cử làm tổ trưởng Tổ quân y phục vụ Phái đoàn quốc tế giám sát hiệp định Giơ-ne-vơ gồm ba nước: Ba Lan, Ấn Độ và Canada. Năm 1956, ông là một trong số 6 sỹ quan quân y đầu tiên thi đỗ vào Trường đại học y khoa Hà Nội. Nhưng ông chỉ học ở đây 2 năm, rồi chuyển về học tiếp tại Trường sỹ quan quân y vừa mới thành lập ở Hà Đông. Tốt nghiệp loại giỏi, ông được cử về nhận công tác tại Khoa chấn thương Bệnh viện quân y 108.

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mỗi lần ra Hà Nội, ông gặp lại các bạn bè cùng lớp, họ không vào Nam nên phần lớn được đi du học nước ngoài và trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, Phó tiến sỹ y khoa. Còn ông, bằng cấp vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều đó thôi thúc ông bước vào làm luận án Phó tiến sỹ từ năm 1981. Lúc đầu, ông chọn đề tài về phẫu thuật chi trên. Nhưng khi nộp đề tài ra Hà Nội, chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án là Giáo sư Tôn Thất Tùng góp ý: “Phẫu thuật chi trên đã có quá nhiều người làm luận án rồi. Trong chiến tranh, bệnh viện của cậu đã sử dụng nhiều nước dừa để thay thế dịch truyền cứu sống hàng ngàn thương binh. Đây là thành tích “độc nhất, vô nhị” trên thế giới. Tại sao cậu không chọn đề tài này?”.

Nghe lời giáo sư Tôn Thất Tùng, luận án của ông đổi sang là: “Nghiên cứu sử dụng nước quả dừa 6 tháng tuổi làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch trong cấp cứu, điều trị ngoại khoa”. Đề tài này khó nhất là ít tài liệu để nghiên cứu, tham khảo và đối chiếu. Những công trình nghiên cứu về nước dừa chủ yếu thuộc lĩnh vực dược học mà không có nhiều công trình liên quan đến y học lâm sàng. Trong Đại chiến thế giới lần thứ ll, quân y Nhật Bản đã dùng nước dừa tiêm vào tĩnh mạch để điều trị một số thương binh, nhưng tài liệu không nêu rõ liều lượng dùng, số thương binh được dùng và hiệu quả điều trị.

Vì thế, nó có thể thay thế dịch truyền trong phẫu thuật, cấp cứu, điều trị nội ngoại khoa với độ an toàn và hiệu quả  khá cao. Luận án Phó tiến sỹ của ông đã thông qua Hội đồng bảo vệ luận án năm 1985. Giáo sư Hoàng Đình Cầu, chủ tịch Hội đồng (thay giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời 7/5/1982) đánh giá: Đây là luận án độc đáo, xuất sắc mang ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao, rất phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam.

Như vậy, đến tuổi 57, ông mới trở thành Phó tiến sỹ (sau này thay đổi gọi là Tiến sỹ). Năm 1987, ông nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Những chức danh mà ông được nhận tuy có muộn và không cao so với bạn bè, thậm chí so với cả học trò của ông, nhưng ông không buồn. Ngược lại, ông rất vui và tự hào về sự tiến bộ vượt bậc của những học trò mà ông từng giảng dạy họ trong rừng Cà Mau. Đó là Thiếu tướng Trần Thanh Quang, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Giám đốc Bệnh viện quân y 121. Đó là Đại tá, bác sỹ Nguyễn Văn Út, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Chủ nhiệm quân y Quân khu 9.

     Theo: tuoitredoisong.net 

19006648
0909344011